6/30/2013

"Đề thi đại học cao đẳng 2013 không quá phức tạp"

Giữa tuần này, thí sinh sẽ bước vào đợt đầu tiên kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga có những lời khuyên thiết thực cho thí sinh trước kỳ thi quan trọng. Bản tin “Chào buổi sáng” cũng thông tin đến Bạn đọc về một số vấn đề của kỳ thi Tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2013, chương trình Tiếp sức mùa thi…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Đề thi không ra những phần giảm tải

Giữa tuần này, thí sinh sẽ bước vào đợt đầu tiên kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga có những lời khuyên thiết thực cho thí sinh trước kỳ thi quan trọng. Theo Thứ trưởng, đề thi tuyển sinh không quá khó, quá phức tạp, không ra ngoài chương trình và vượt chương trình trung học, không ra vào những phần giảm tải, cắt bỏ, không đánh đố thí sinh. Ban đề thi của Bộ gồm có các giảng viên ĐH, giáo viên THPT đại diện các khu vực, vùng miền trên phạm vi cả nước, trong đó giáo viên phổ thông chiếm đa số.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga

Sự tham gia của giáo viên THPT trong việc soạn thảo và phản biện đề thi giúp đề thi bám sát chương trình, phù hợp với trình độ và thời gian làm bài của thí sinh. Sự có mặt của các giảng viên ĐH đảm bảo yêu cầu kiểm tra kiến thức tối thiểu của thí sinh vào học ĐH, CĐ. Đối với đề thi các môn xã hội, sẽ tiếp tục ra đề thi theo hướng mở nên cách học vẹt, học thuộc lòng... sẽ không còn phù hợp với cách ra đề thi mới.Đề thi có những phần dễ để thí sinh trung bình có thể làm được, có phần tương đối khó dành cho thí sinh khá và có những câu khó dành cho những thí sinh giỏi và xuất sắc.

Trong ngày làm thủ tục dự thi, thí sinh sẽ được phổ biến những vật dụng được phép mang vào phòng thi. Ngoài bút, mực, compa, thước kẻ, máy tính bỏ túi trong danh mục quy định... để phục vụ cho việc làm bài, thí sinh được phép mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát âm, phát hình tại chỗ, không truyền được thông tin ra ngoài (không có loa, tai nghe, không có màn hình hiển thị thông tin, không có 3G, 4G, wifi, bluetooth...). Quy chế nghiêm cấm thí sinh mang tài liệu, điện thoại di động, các thiết bị công nghệ cao nhằm mục đích gian lận trong quá trình làm bài thi như iWatch, Google Glass... hay các thiết bị tương tự khác. Thí sinh sẽ bị đình chỉ thi ngay lập tức nếu mang vào phòng thi những vật dụng cấm dù đã sử dụng hay chưa sử dụng. Đây là điều mà thí sinh phải đặc biệt lưu ý.

Sự sắp xếp các phần dễ, khó trong các đề thi có thể khác nhau, vì vậy thí sinh khi làm bài nên lướt qua đề thi, tìm những câu dễ, phù hợp với trình độ của mình làm trước rồi làm những câu khó sau nếu còn thời gian. Với tính chất là kỳ thi có tính cạnh tranh rất cao, các em phải bảo mật bài làm của mình, tuyệt đối không quay cóp. Để làm bài tốt, các em cần bình tĩnh, tự tin và có quyết tâm. Bộ đã thành lập các đoàn thanh tra lưu động gồm những người có kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh. Các đoàn thanh tra này sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình tại bất kỳ điểm thi nào trên cả nước và không báo trước. Trong quá trình chấm thi, Bộ quy định các hội đồng tự chấm kiểm tra một số lượng bài thi quy định để phát hiện sai sót và điều chỉnh. Sau đó, Bộ sẽ chấm thẩm định như mọi năm. Việc thanh tra công tác xét tuyển được thực hiện sau khi các trường đã gọi thí sinh trúng tuyển nhập học. Song song với quá trình giao quyền tự chủ cho các trường, công tác thanh tra kiểm tra sẽ được thực hiện nghiêm túc. Những trường để xảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển... sẽ bị xử lý nghiêm theo quy chế tuyển sinh hiện hành.

Dự kiến thêm một đợt tuyển sinh ĐH
Các trường xây dựng đề án tuyển sinh trong năm nay có thể thực hiện 2 đợt tuyển sinh. Ông Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết: “Vừa qua Bộ GD-ĐT đã làm việc trực tiếp với từng trường có đề xuất phương án tuyển sinh riêng. Tại các buổi làm việc này, các trường đã cùng với Bộ trao đổi rất thẳng thắn và cởi mở để tìm phương án khả thi nhất”. Sau các buổi làm việc, thống nhất ý kiến, các trường xây dựng lại phương án tuyển sinh riêng năm 2013 theo hướng chia thành 2 đợt: đợt 1 (mùa thu) tuyển sinh theo phương thức 3 chung với điểm sàn theo quy định; đợt 2 (mùa xuân) các trường chủ động tổ chức thi riêng để tuyển bổ sung nếu đợt 1 chưa tuyển đủ chỉ tiêu. Việc tổ chức thi đợt 2 có thể được thực hiện ở từng trường hay từng nhóm trường.
Dự kiến thêm một đợt tuyển sinh ĐH
Dự kiến thêm một đợt tuyển sinh ĐH

Cũng theo ông Ga, trong đợt thi bổ sung này, các trường chủ động hoàn toàn công tác đề thi, tổ chức thi, phương án xét tuyển và chịu trách nhiệm giải trình xã hội về chất lượng nguồn tuyển. “Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện việc kiểm tra giám sát”, ông Ga khẳng định. Hiện Bộ đang chờ các trường này trình phương án tuyển sinh mới theo hướng đó. Trước mắt, khi phương án tuyển sinh riêng chưa được phê duyệt, tất cả các trường tuyển sinh chung theo đúng quy chế hiện hành. Ông Ga chia sẻ: “Về lâu dài, với tinh thần đổi mới và thực sự cầu thị, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà giáo, các tầng lớp nhân dân, học sinh, sinh viên để có phương án tuyển sinh phù hợp nhất, bảo đảm tính khoa học, công bằng, khách quan, đỡ gây tốn kém trong việc tổ chức thi và tuyển sinh ĐH, CĐ trong những năm tới theo đúng quy định của luật Giáo dục ĐH.

Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tuyển thẳng học sinh khiếm thị
Các học sinh này đều tốt nghiệp THPT loại khá trở lên và ngành được tuyển vào nhiều nhất là tâm lý giáo dục. Bên cạnh đó, năm nay trường cũng nhận được khoảng 50 hồ sơ xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Đặc biệt, trường cũng nhận được trên 100 hồ sơ của thí sinh các huyện nghèo khắp cả nước nộp hồ sơ xét tuyển thẳng về trường. Thạc sĩ Lâm cho biết: “Năm ngoái trường chỉ nhận được 10 hồ sơ thí sinh huyện nghèo, thì năm nay tăng lên trên chục lần, trong đó có nhiều thí sinh chỉ có học lực trung bình. Ngành học được học sinh diện này chọn nhiều nhất là giáo dục tiểu học”.

Chàng trai "hạng hai" được tuyển thẳng đại học
Trở về với giải nhì Hội thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia (ViSEF) 2013 (giải nhì trong lĩnh vực điện cơ khí), Bùi Quang Minh (học sinh chuyên lý, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) vừa nhận được quyết định tuyển thẳngvào đại học. Tự nhận rằng không cần bằng sáng chế, giải thưởng khoa học, Quang Minh chỉ muốn làm những thứ mà bản thân thích. Cái tên Minh “quay 3D” được bạn bè đặt cho xuất phát từ chính sản phẩm màn hình ba chiều đã giúp cậu học trò nhỏ có được giải thưởng trong hội thi diễn ra trong tháng 6 này. Sản phẩm tuy không phải là sáng tạo lần đầu tiên trên thế giới nhưng sản phẩm chính là công trình được chế tạo ra “từ trong chính suy nghĩ” của Minh.

MIinh chia sẻ: “Em làm cái từ trong đầu của em, không phải cái của người ta. Kiến thức và nguyên lý làm ra là của em, không phải sao chép từ đâu. Và tại sao mình lại quan tâm cái người khác đã làm rồi? Có quan tâm cũng chẳng được gì. Khoa học là sự cải tiến và đổi mới”. Nói vể sản phẩm vừa đoạt giải, Minh chia sẻ: “Màn hình ba chiều hiện nay đang là xu thế mới của các hãng công nghệ trên thế giới. Mình được ban giám khảo đánh giá đây là sản phẩm thực tế. Về nguyên lý hoạt động, màn hình quét khối chạy trên hiện tượng lưu ảnh của mắt. Hệ thống của sản phẩm bao gồm hai thứ: một màn hình hai chiều và một động cơ để quay. Với từng góc quay khác nhau, màn hình hiển thị các hình cắt khác nhau. Khi màn hình quay nhanh, mắt chúng ta sẽ ghép tất cả các hình cắt hai chiều đó lại và tạo ra một hình ảnh ba chiều”.
Bùi Quang Minh (bên phải) và bạn học
Bùi Quang Minh (bên phải) và bạn học

Quang Minh đã tốn khoảng 3 tháng và 8 triệu đồng để hoàn thành sản phẩm này. Với Quang Minh, em không quan tâm nhiều về những cuộc thi, đến với ViSEF 2013 chỉ là sự tình cờ. Quang Minh chế tạo thật nhiều sản phẩm theo đúng sở thích cá nhân và đem đi thi. Sau đó, đến đâu thì đến chứ chẳng phải suy nghĩ gì nhiều. "Tập trung vào cuộc thi chỉ làm cho suy nghĩ bị "ngâm dấm" thôi, cuộc đấu ý tưởng không giúp ích cho khoa học bằng sự đam mê, nguồn cảm hứng cá nhân và bắt tay thực hiện ngay", Minh chia sẻ. Tự nhận mình là một người có cá tính trầm và hướng nội, Minh ít khi chia sẻ hay chủ động nói chuyện với bạn bè, chỉ khi nào có việc hay cần phải trao đổi. Minh dành nhiều thời gian cho việc truyền cảm hứng bản thân bằng hai thứ chính là “Tôi” và “Youtube”. Minh cho rằng ở Youtube là một kho ý tưởng để có thể vẫy vùng tìm kiếm, suy ngẫm và suy tư.

Có thể nói, Minh là người có duyên với giải nhì, bằng chứng là nó chiếm phần lớn trong bảng thành tích của chàng trai này. Tuy nhiên, điều này không làm ảnh hưởng đến niềm đam mê khoa học của Minh, mà ngược lại nó đã trở thành động lực để cậu học sinh cá tính này quyết tâm hơn. Hiện nay, hằng ngày Minh đều dành khoảng thời gian nhất định để nghiên cứu các lĩnh vực mà mình yêu thích như: điện tử, máy tính, lập trình… Hiện Quang Minh đang nỗ lực để giành học bổng 100% từ Trường đại học Việt Đức nếu vượt qua kỳ thi tiếng Anh sắp tới.

Hơn 1.000 thí sinh đổ về thành phố trong sáng 30/6
Để kịp đón thí sinh và phụ huynh đi vào thành phố, đội Tiếp sức mùa thi tại Bến xe miền Đông đã phải trực chiến nay từ 3 giờ sáng, bởi đa số các chuyến xe xuất phát từ các tỉnh miền Trung đều đáp bến vào thời điểm này. Đinh Ngọc Thịnh, một chiến sĩ Tiếp sức mùa thi cho biết: "Các chuyến xe tập trung đông nhất vào thời điểm từ 3 - 7 giờ sáng nên đội phải phân chia ca trực, tập trung lực lượng vào thời gian này để có thể tiếp sức cho sĩ tử nhanh chóng và đầy đủ nhất".
Hôm qua 30.6, tại Bến xe Miền Đông có rất nhiều thí sinh ở tỉnh vào TP.HCM dự thi ĐH
Hôm qua 30.6, tại Bến xe Miền Đông có rất nhiều thí sinh ở tỉnh vào TP.HCM dự thi ĐH

Tại bến xe, ngay khi sĩ tử vừa bước xuống xe, các bạn tình nguyện viên đã có mặt ngay ở trước cửa xe, nhanh chóng phân phát bản đồ đường đi cũng như giúp đỡ các thí sinh chưa biết đường đi hay chưa tìm được nhà trọ. Nhiều bạn hăng hái giúp sĩ tử xách đồ đạc ra tận cổng, đứng chờ người thân đến đón mới yên tâm quay trở vào. Các chiến sĩ tình nguyện sau khi chỉ dẫn đường đi còn đưa thí sinh lên tận xe buýt, không quên dặn dò các sĩ tử trông chừng đồ đạc cẩn thận. Đội tư vấn nhà trọ và tư vấn đường đi cũng bận rộn không kém khi vừa tìm trong danh sách các chỗ ở phù hợp với từng đối tượng, sao cho gần địa điểm thi nhất. Các bạn cũng chỉ dẫn đường đi thật cẩn thận và đưa cả số điện thoại liên lạc để thí sinh có thể thông báo nếu gặp bất cứ vấn đề nào.

Đội trưởng đội Tiếp sức mùa thi tại bến xe Miền Đông Nguyễn Thế Tiến cho biết, lượng sĩ tử đổ về thành phố trong những ngày giáp thi đông hơn hẳn các ngày khác. "Hôm qua bọn mình đã đón hơn 1.500 lượt thí sinh. Hôm nay thì mới buổi sáng thôi đã đón hơn 1.000 lượt thí sinh rồi", Tiến chia sẻ. Đến 9 giờ sáng, lượng thí sinh đã vơi bớt so với thời điểm sáng sớm, tuy nhiên cứ 5 - 10 phút lại có một chuyến xe cập bến từ Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Phước,... Các tình nguyện viên Tiếp sức mùa thi lại hối hả chạy ngay đến cửa xe đón thí sinh và giúp các đỡ các em tận tình.

Ngọc Duyên, chiến sĩ Tiếp sức mùa thi tự hào: "Sáng nay mình đã giúp được khoảng gần 60 sĩ tử rồi đấy!". Còn bạn Nguyễn Thành Trường thì cho biết: "Các ngày 30/6, 1/7, 2/7 là những ngày cao điểm nhất, chủ yếu là các thí sinh từ các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ".

90 chùa ở TP.HCM tiếp sức mùa thi
Ban Hướng dẫn phật tử T.Ư Giáo hội Phật giáo VN phối hợp với Báo Giác Ngộ tổ chức hoạt động Tiếp sức mùa thi tại TP.HCM diễn ra từ nay đến này 11.7. Với chủ đề “Chắp cánh ước mơ của bạn”, chương trình tiếp sức mùa thi 2013 đã thu hút gần 90 ngôi chùa và hàng chục gia đình phật tử, nhà dân tham gia với sự hỗ trợ 7.500 chỗ ở miễn phí tại các ngôi chùa gần điểm thi và 150.000 suất cơm chay cho thí sinh và phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn, 26.000 suất cơm chay miễn phí phát tại các điểm thi. Ngoài ra, ban tổ chức cũng sẽ phát hơn 3.000 vé xe buýt miễn phí, tư vấn và tổ chức đưa đón các thí sinh từ chỗ ở đến điểm thi trong hai đợt thi tuyển.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét