4/09/2014

Khối trường nghề đang trên vực thẳm

Khối trường nghề đang trên vực thẳm - Dù tung đủ chiêu, dụ đủ cách để tuyển sinh nhưng các trường trung cấp nghề (TCN), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), cao đẳng nghề (CĐN) vẫn thoi thóp chờ người học
Hiện Bộ LĐTB-XH quản lý mạng lưới dạy nghề gồm: 305 trường TCN, 158 CĐN và 870 trung tâm dạy nghề rải đều khắp cả nước. Bộ GD-ĐT quản lý gần 300 trường TCCN, cả trăm trường CĐ và hàng ngàn cơ sở dạy nghề. Như thế, tính sơ sơ cả nước có khoảng 2.500 cơ sở, trường dạy nghề khối công lập và ngoài công lập.

Thân phận bẽ bàng

Theo Vụ Giáo dục chuyên nghiệp thuộc Bộ GD-ĐT, năm 2013, số lượng học sinh nhập học bậc TCCN cả nước giảm gần 100.000 người so với năm trước. Tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng hệ thống trường TCN thuộc Bộ LĐTB-XH cũng rơi vào tình cảnh thoi thóp vì tuyển không đủ chỉ tiêu, thậm chí có nhiều trường, trung tâm chỉ tuyển được vài chục học viên.

Ngay cả những trường TCN, CĐN có cơ ngơi khang trang, đầu tư thiết bị dạy nghề khá hiện đại cũng đau đầu, ngóng người học như “trời hạn trông mưa”. Không những thế, những ngành nghề được xem dễ kiếm việc làm sau khi học cũng lao đao vì không thể tuyển sinh theo kế hoạch. Ông Nguyễn Hoàng Anh, Hiệu trưởng Trường CĐN Công nghệ thông tin (iSPACE), cho rằng, ngành này có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng cố lắm nhà trường cũng chỉ tuyển được khoảng 400/1.000 chỉ tiêu.

Tương tự, Trường TCN Công nghệ Hùng Vương quận 5, Trường TCCN Nguyễn Đức Cảnh… cũng trầy trật mới tuyển được 50% chỉ tiêu được giao. Một số trường TCCN khác trên địa bàn TPHCM cũng chỉ tuyển được 30%-40% chỉ tiêu. Thực tế này phản ánh đúng thực trạng tuyển sinh vô cùng nan giải của mạng lưới trường nghề đang diễn ra ở khắp nơi. Nhưng cái khó của những trường dạy nghề tư thục lỡ đầu tư bạc tỷ cho lĩnh vực dạy nghề còn chua chát hơn.

Vì sao cỗ máy dạy nghề được đầu tư nguồn lực không nhỏ nhưng cứ chạy ì ạch, hiệu suất đào tạo thấp, chất lượng sản phẩm không được xã hội đón nhận? Đã có quá nhiều cuộc hội thảo mổ xẻ “thân phận ngành dạy nghề” và chỉ rõ những bất cập, chồng chéo trong quản lý dạy nghề, đầu tư manh mún, dàn trải, nhất là thiếu chiến lược phát triển bền vững đã khiến câu chuyện này không có hồi kết.

Quy hoạch, nâng cấp chuẩn chất
Tuyển sinh đã khó nhưng nhiều trường nghề không thể níu chân học viên khi một bộ phận học sinh chỉ chọn trường nghề là nơi nghỉ chân, chờ đợt thi mới vào ĐH, CĐ. Dù đã được tư vấn, định hướng về nghề nghiệp và phân luồng nhưng hàng năm vẫn có hàng trăm ngàn thí sinh không đủ năng lực vẫn quyết đi thi ĐH, CĐ chứ nhất định không vào trường nghề. Chính vì thế, để thay đổi tư duy, nhận thức cho học sinh thì phải có “ba-ri-e” phân luồng - chặn số thí sinh không đủ năng lực phải rẽ sang học nghề.


Không thể phủ nhận nhờ các dự án phát triển lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được đầu tư nguồn vốn lớn, nhiều trường TCN, TCCN, CĐN đã lột xác, có cơ ngơi khang trang, trang thiết bị hiện đại hơn. Nguồn lực dành cho mảng dạy nghề rất lớn nhưng sử dụng chưa đúng mục đích và đáng buồn là việc đầu tư thiếu quy hoạch lẫn trọng tâm đã dẫn đến dàn trải và lãng phí lớn.

Đơn cử Đề án 1956 của Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn được triển khai từ năm 2010 với tổng kinh phí gần 26.000 tỷ đồng đang gây nhiều bức xúc vì sự lãng phí, đầu tư tràn lan, hiệu quả thấp.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt trường TCN, trung tâm dạy nghề trực thuộc Bộ LĐTB-XH mọc nhanh đến chóng mặt và đi kèm theo thiết bị dạy nghề cũng được mua sắm ồ ạt. Trong số này, có hàng ngàn thiết bị đầu tư tốn kém nhưng không thể sử dụng vì không phù hợp với yêu cầu thực tế. Còn ở nhiều huyện, địa bàn vùng sâu vùng xa lại dạy nghề theo kiểu “phong trào” và người học ghi tên chỉ để lấy tiền trợ cấp chứ không phải trang bị kỹ năng nghề nghiệp như mục đích của đề án.

Từ những bất cập nêu trên của hệ thống trường nghề, Chính phủ cần phải xem xét, quy hoạch lại mạng lưới dạy nghề, trong đó sớm thống nhất việc quản lý hoạt động giáo dục nghề nghiệp, không để phân tán, chồng chéo và chịu cảnh “cha chung không ai khóc”.

Trong chiến lược đổi mới toàn diện nền giáo dục, cần phải xem mảng dạy nghề là lĩnh vực ưu tiên, tập trung nguồn lực để đầu tư trường ra trường, tạo môi trường học nghề hấp dẫn, thực học, thực hành cho thanh niên, học sinh. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy nghề, cần hướng tới việc kiểm định đầu ra theo chuẩn chung, cải cách chính sách tiền lương để người học nghề yên tâm với chọn lựa làm thợ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét